Chiến tranh Chiến tranh Ba Lan–Ukraina

"Các đại bàng Lwów – bảo vệ nghĩa trang" của Wojciech Kossak (1926). Bảo tàng Lục quân Ba Lan, Warszawa.
Một bức tranh mô tả thanh niên Ba Lan trong Trận Lemberg (1918) (trong lịch sử Ba Lan gọi là Phòng thủ Lwów) chống lại Cộng hòa Nhân dân Tây Ukraina.Giai đoạn cuối của Chiến tranh Ba Lan-Ukraina.

Giai đoạn đầu

Giao tranh giữa các lực lượng Ukraina và Ba Lan tập trung xung quanh Lviv được Tây Ukraina tuyên bố là thủ đô, và các tuyến đường tiếp cận thành phố này. Tại Lviv, quân Ukraina gặp chống đối từ các đơn vị tự vệ địa phương, chúng được thành lập chủ yếu từ các cựu chiến binh trong thế chiến, sinh viên và trẻ em. Tuy nhiên, khả năng chỉ huy khéo léo, chiến thuật tốt và tinh thần cao khiến người Ba Lan có thể chống lại các cuộc tấn công được lên kế hoạch kém của người Ukraina.[23] Ngoài ra, người Ba Lan còn có thể khéo léo câu giờ và chờ đợi quân tiếp viện thông qua việc thỏa thuận ngừng bắn với người Ukraina.[24] Trong khi người Ba Lan có thể trông cậy vào nền tảng ủng hộ rộng rãi từ dân chúng thành phố, thì phía Ukraina chủ yếu phụ thuộc vào giúp đỡ từ bên ngoài thành phố.[25] Các cuộc nổi dậy khác chống lại quyền cai trị của Tây Ukraina nổ ra tại Drohobych, Przemyśl, SambirJarosław.[22] Tại Przemyśl, binh sĩ Ukraina địa phương nhanh chóng giải tán về nhà của họ và người Ba Lan chiếm giữ các cây cầu bắc qua sông San và tuyến đường sắt đến Lviv, tạo điều kiện cho lực lượng Ba Lan tại thành phố này có được tiếp viện đáng kể.[26]

Sau hai tuần giao tranh ác liệt tại Lviv, một đơn vị vũ trang dưới quyền chỉ huy của Trung tá Michał Karaszewicz-Tokarzewski của Lục quân Ba Lan mới thành lập đã vượt qua vòng vây của Ukraina vào ngày 21 tháng 11 và đến thành phố. Người Ukraina đã bị đẩy lùi. Ngay sau khi Ba Lan chiếm được thành phố, một số dân quân Do Thái địa phương tấn công các binh sĩ Ba Lan,[27] đồng thời một số thành phần của lực lượng Ba Lan cũng như tội phạm thông thường tiến hành cướp phá các khu Do Thái và Ukraina trong thành phố, giết chết khoảng 340 thường dân.[28][29][30] Người Ba Lan cũng giam giữ một lượng lớn các nhà hoạt động Ukraina trong trại giam.[31] Chính phủ Ukraina cung cấp hỗ trợ tài chính cho các nạn nhân Do Thái trong bạo lực[32] và có thể chiêu mộ một tiểu đoàn Do Thái vào quân đội của họ.[33] Một số phe phái đổ lỗi những hành động tàn bạo này cho Lam quân của Tướng Haller. Điều này khó xảy ra vì lực lượng chiến đấu do Pháp huấn luyện và hỗ trợ này đã không rời Pháp và Mặt trận phía Tây cho đến tháng 4 năm 1919, sau khi cuộc bạo loạn xảy ra.[34][35][36][37][38]

Vào ngày 9 tháng 11, quân Ba Lan cố gắng bất ngờ chiếm giữ các mỏ dầu Drohobych, nhưng do quân Ukraina đông hơn nên họ bị đánh lui. Người Ukraina giữ quyền kiểm soát các mỏ dầu cho đến tháng 5 năm 1919.[39]

Vào ngày 6 tháng 11, một chính thể Ukraina mới được thành lập tại nửa phía bắc của vùng Bukovina: Bukovina thuộc Ukraina dưới quyền Tổng thống Omelyan Popovych (uk). Nhà nước mới có thủ đô tại Chernivtsi.[40] Nó bị giải thể vào ngày 11 tháng 11, khi Lục quân Romania chiếm lĩnh Chernivtsi.[40][41][42] Chính quyền Ukraina và những hỗ trợ quân sự của họ rút khỏi thành phố một ngày trước đó.[40]

Dmytro Vitovsky, tư lệnh đầu tiên của Quân đội Galicia Ukraina, bên cạnh hai sĩ quan, 1918.

Đến cuối tháng 11 năm 1918, lực lượng Ba Lan kiểm soát Lviv và tuyến đường sắt nối Lviv với miền trung Ba Lan qua Przemyśl, trong khi người Ukraina kiểm soát phần còn lại của Đông Galicia về phía đông sông San, bao gồm các khu vực phía nam và phía bắc của tuyến đường sắt vào Lviv. Do đó, thành phố Lviv (Lwów) do Ba Lan kiểm soát phải đối mặt với quân Ukraina ở ba phía.[43]

Chiến đấu tại Volyn

Ngay sau khi Áo-Hung sụp đổ, quân Ba Lan đã chiếm được khu vực Kholm (tiếng Ba Lan: Chełm); ngay sau đó các chỉ huy của Áo tại miền tây nam Volyn (Volodymyr-VolynskyiKovel) bàn giao chính quyền cho các ủy ban dân tộc Ba Lan địa phương. Vào tháng 11 đến tháng 12 năm 1918, người Ba Lan cũng tiến vào Podlachia và Tây Polesia, nhưng bị quân của Tướng M. Osetsky chặn lại tại Tây Volyn.[44]

Khi các đơn vị Ba Lan cố gắng giành quyền kiểm soát khu vực, quân của Cộng hòa Nhân dân Ukraina dưới quyền chỉ huy của Symon Petliura cố gắng giành lại lãnh thổ của tỉnh Kholm đã bị quân Ba Lan kiểm soát trước đó.

Theo Richard Pipes, pogrom lớn đầu tiên trong vùng này diễn ra vào tháng 1 năm 1919 tại thị trấn Ovruch, nơi các trung đoàn Kozyr-Zyrka liên kết với chính phủ của Symon Petliura cướp bóc và giết hại người Do Thái.[45] Nicolas Werth tuyên bố rằng các đơn vị vũ trang của Cộng hòa Nhân dân Ukraina cũng phải chịu trách nhiệm về các vụ hãm hiếp, cướp bóc và thảm sát tại Zhytomir, trong đó 500–700 người Do Thái thiệt mạng.[46]

Sau hai tháng giao tranh ác liệt, xung đột đã được giải quyết vào tháng 3 năm 1919 do các đơn vị quân đội Ba Lan mới và được trang bị tốt dưới quyền chỉ huy của Tướng Edward Rydz-Śmigły.

Bế tắc tại Đông Galicia

Binh sĩ Ba Lan và Ukraina tại Lviv trong thời gian ngừng bắn, 1918Bức ảnh chụp một xe bọc thép, do quân phòng thủ Lviv của Ba Lan chế tạo, được trang trí với Đại bàng trắng và Cờ Mỹ, 1918

Nhờ huy động nhanh chóng và hiệu quả nên đến tháng 12 năm 1918, quân Ukraina chiếm ưu thế lớn về quân số cho đến tháng 2 năm 1919, và đẩy quân Ba Lan vào thế phòng thủ.[23] Theo một báo cáo của Mỹ trong khoảng thời gian từ ngày 13 tháng 1 đến ngày 1 tháng 2 năm 1919, quân Ukraina cuối cùng đã bao vây được Lviv từ ba phía. Người dân thành phố bị thiếu nước và điện. Quân đội Ukraina cũng trấn giữ các ngôi làng ở hai bên tuyến đường sắt dẫn đến Przemyśl.[47]

Quân Ukraina tiếp tục kiểm soát phần lớn miền đông Galicia và là mối đe dọa đối với thành phố Lviv cho đến tháng 5 năm 1919. Trong thời gian này, theo báo cáo của Ý và Ba Lan, quân Ukraina có tinh thần cao (một nhà quan sát người Ý đứng sau phòng tuyến Galicia nói rằng quân Ukraina đang chiến đấu với "lòng dũng cảm của những kẻ cam chịu") trong khi nhiều binh sĩ Ba Lan, đặc biệt là từ Ba Lan lập hiến, muốn trở về nhà vì họ không thấy có lý do gì để chiến đấu chống lại người Ruthenia trên vùng đất của người Ruthenia; Quân số Ba Lan bị áp đảo bởi lượng địch gấp đôi và bị thiếu đạn dược.[48] Mặc dù ban đầu bị áp đảo về số lượng nhưng quân Ba Lan có những lợi thế nhất định. Lực lượng của họ có nhiều sĩ quan hơn và được đào tạo tốt hơn, kết quả là một lực lượng có kỷ luật tốt hơn và cơ động hơn; người Ba Lan cũng có được tình báo xuất sắc và nhờ kiểm soát được các tuyến đường sắt phía sau phòng tuyến của mình nên họ có thể di chuyển binh sĩ khá nhanh chóng. Kết quả là, mặc dù quân Ba Lan có tổng quân số ít hơn quân Ukraina, nhưng trong những trận chiến đặc biệt quan trọng, họ có thể điều động nhiều binh sĩ tương đương phía Ukraina.[43]

Vào ngày 9 tháng 12 năm 1918, quân Ukraina chọc thủng tuyến phòng thủ bên ngoài Przemyśl với hy vọng chiếm được thành phố và do đó cắt đứt Lviv do Ba Lan kiểm soát khỏi miền trung Ba Lan. Tuy nhiên, người Ba Lan nhanh chóng gửi quân tiếp viện và đến ngày 17 tháng 12, quân Ukraina buộc phải rút lui. Vào ngày 27 tháng 12, có hỗ trợ từ quân nông dân được gửi từ Đông Ukraina đến Galicia với hy vọng rằng người Tây Ukraina có thể thành lập một lực lượng có kỷ luật từ họ, một cuộc tổng tấn công của Ukraina chống lại Lviv đã bắt đầu. Lực lượng phòng thủ của Lviv được giữ vững và quân đội miền Đông Ukraina nổi loạn.[49]

Từ ngày 6 tháng 1 đến ngày 11 tháng 1 năm 1919, một cuộc tấn công của Ba Lan gồm 5.000 tân binh được tuyển mộ từ khu vực Ba Lan thuộc Nga trước đây do Jan Romer chỉ huy đã bị đẩy lui trước quân Tây Ukraina gần Rava-Ruska, phía bắc Lviv. Chỉ một số ít quân cùng với Romer có thể đột phá được đến Lviv sau khi chịu tổn thất nặng nề. Trong khoảng thời gian từ ngày 11 tháng 1 đến ngày 13 tháng 1, quân Ba Lan cố gắng đánh bật quân Ukraina đang bao vây Lviv từ phía nam, trong khi cùng lúc đó quân đội Ukraina cố gắng thực hiện một cuộc tổng tấn công khác vào Lviv. Cả hai nỗ lực trên đều thất bại. Vào tháng 2 năm 1919, quân Ba Lan cố gắng chiếm Sambir nhưng bị quân phòng thủ Ukraina đánh bại với tổn thất nặng nề, mặc dù vậy do khả năng cơ động kém của quân Ukraina nên họ không thể tận dụng được chiến thắng này.[49]

Vào ngày 14 tháng 2, quân Ukraina bắt đầu một cuộc tấn công khác vào Lviv. Đến ngày 20 tháng 2, họ cắt đứt thành công tuyến đường sắt giữa Lviv và Przemysl, khiến Lviv bị bao vây và quân Ukraina ở vị trí thuận lợi để chiếm thành phố. Tuy nhiên, một phái đoàn do Pháp dẫn đầu từ Entente (Đồng minh) đến trụ sở của người Ukraina vào ngày 22 tháng 2 và yêu cầu người Ukraina chấm dứt hành động thù địch, với lời đe doạ cắt đứt mọi quan hệ ngoại giao giữa Entente và chính phủ Ukraina. Vào ngày 25 tháng 2, quân đội Ukraina đình chỉ cuộc tấn công.[49] Phái đoàn Barthélemy đề xuất một đường phân giới (28 tháng 2) để lại gần 70% lãnh thổ Đông Galicia cho người Ukraina, còn Lviv và các mỏ dầu cho Ba Lan. Người Ukraina sẽ được cung cấp một nửa sản lượng dầu. Đề xuất được người Ba Lan chấp nhận.[50][51] Tuy nhiên, các yêu cầu của Đồng minh bao gồm việc để mất một lượng đáng kể lãnh thổ do người Ukraina nắm giữ và cư trú, và bị người Ukraina cho là quá thiên vị người Ba Lan, và họ tiếp tục tấn công vào ngày 4 tháng 3. Đến ngày 5 tháng 3, pháo binh Ukraina làm nổ tung bãi chứa đạn dược của quân Ba Lan tại Lviv; vụ nổ khiến binh sĩ Ba Lan hoảng sợ. Tuy nhiên, người Ukraina không tận dụng được điều này. Trong thời gian ngừng bắn, người Ba Lan có thể tổ chức được một lực lượng cứu viện gồm 8.000–10.000 quân, đến ngày 12 tháng 3 họ tiến đến Przemyśl và đến ngày 18 tháng 3 thì đánh đuổi quân Ukraina khỏi tuyến đường sắt Lviv-Przemyśl, bảo vệ vĩnh viễn Lviv.[49]

Vào ngày 6–11 tháng 1 năm 1919, một bộ phận nhỏ của Quân đội Galicia Ukraina xâm chiếm Ngoại Karpat để truyền bá tình cảm ủng hộ Ukraina trong cư dân (khu vực đang bị Hungary và Tiệp Khắc chiếm đóng). Quân đội Ukraina giao tranh với cảnh sát địa phương Tiệp Khắc và Hungary. Họ thành công trong việc chiếm lĩnh một số khu định cư của người Ukraina do Hungary kiểm soát. Sau một số cuộc đụng độ với Tiệp Khắc, người Ukraina rút lui vì Tiệp Khắc (thay vì Cộng hòa Nhân dân Ukraina) là quốc gia duy nhất giao thương với Cộng hòa Nhân dân Tây Ukraina và ủng hộ nước này về mặt chính trị. Xung đột xa hơn với chính quyền Tiệp Khắc sẽ dẫn đến Cộng hòa Nhân dân Tây Ukraina bị cô lập hoàn toàn về kinh tế và chính trị.

Ukraina sụp đổ

Lam quân Ba Lan bao gồm Trung đoàn xe tăng số 1 gồm 120 xe tăng Renault FT. Tại Lwów, quân Ukraina phải đối mặt với đơn vị xe tăng lớn thứ tư thế giới.Nieuport 17 của Quân đội Galicia Ukraina

Vào ngày 14 tháng 5 năm 1919, Ba Lan bắt đầu một cuộc tổng tấn công trên khắp Volyn và Đông Galicia. Thực hiện kế hoạch là các đơn vị của Lục quân Ba Lan, được hỗ trợ bởi Lam quân mới đến của Tướng Józef Haller de Hallenburg. Đội quân này bao gồm các lực lượng Ba Lan từng chiến đấu cho Entente trên Mặt trận phía Tây,[52] với số lượng 60.000 quân,[53] được Đồng minh phương Tây trang bị tốt và được biên chế một phần các sĩ quan Pháp giàu kinh nghiệm, đặc biệt là để chiến đấu với Bolshevik chứ không phải với quân đội của Cộng hòa Nhân dân Tây Ukraina. Mặc dù vậy, người Ba Lan vẫn phái quân của Haller chống lại quân Ukraina nhằm phá vỡ thế bế tắc tại miền đông Galicia. Đồng minh gửi một số điện tín ra lệnh cho người Ba Lan dừng cuộc tấn công của họ, vì việc sử dụng quân đội do Pháp trang bị để chống lại người Ukraina đặc biệt mâu thuẫn với các điều kiện hỗ trợ của Pháp, nhưng những điều này bị bỏ qua,[54] còn phía Ba Lan cho rằng người Ukraina là những người có cảm tình với Bolshevik.[55] Đồng thời, vào ngày 23 tháng 5, Romania mở mặt trận thứ hai chống lại lực lượng Ukraina, yêu cầu họ rút khỏi các khu vực phía nam của miền đông Galicia, bao gồm cả thủ đô tạm thời là Stanislaviv. Điều này dẫn đến việc mất lãnh thổ, đạn dược và bị cô lập hơn nữa với thế giới bên ngoài.[56]

Phòng tuyến của Ukraina bị phá vỡ, phần lớn là do lực lượng tinh nhuệ quân súng trường Sich rút lui. Vào ngày 27 tháng 5, quân Ba Lan tiến đến phòng tuyến Złota LipaBerezhany-Jezierna-Radziwiłłów. Cuộc tiến công của Ba Lan đi kèm với một làn sóng bạo lực và cướp bóc quy mô lớn chống người Do Thái của đám đông Ba Lan vô tổ chức, giống như tại Lviv vào năm 1918. Ngoài ra còn có sự tham gia của các đơn vị quân đội Ba Lan hoạt động chống lại mệnh lệnh các sĩ quan của họ, đặc biệt là các trung đoàn Poznań và quân đội của Haller.[57] Theo yêu cầu của Entente, cuộc tấn công của Ba Lan bị dừng lại và quân của Haller đảm nhận các vị trí phòng thủ.

Cuộc tấn công Chortkiv và chiến thắng cuối cùng của Ba Lan

Vỏ đạn từ chiến tranh Ba Lan–Ukraina 1918–1919 tại Lviv, từ ngày 5 tháng 1 năm 1919.

Vào ngày 8 tháng 6 năm 1919, quân Ukraina dưới quyền tư lệnh mới Oleksander Hrekov, một cựu tướng lĩnh trong quân đội Nga, bắt đầu phản công. Sau ba tuần, họ tiến tới Hnyla Lypa và thượng du sông Stryi, đánh bại năm sư đoàn Ba Lan. Mặc dù quân Ba Lan buộc phải rút lui nhưng họ ngăn chặn được lực lượng sụp đổ và tránh bị bao vây và bắt giữ. Vì vậy, bất chấp những chiến thắng của mình, quân Ukraina không thể có được một lượng vũ khí và đạn dược đáng kể. Đến ngày 27 tháng 6, quân Ukraina tiến được 120 km dọc theo sông Dnister, và trên một hướng khác họ tiến được 150 km, qua thị trấn Brody. Họ đến nơi trong vòng hai ngày hành quân từ Lviv.[58]

Cuộc tấn công Chortkiv thành công bị dừng lại chủ yếu vì thiếu vũ khí - mỗi người lính Ukraina chỉ có 5–10 viên đạn.[59] Chính phủ Tây Ukraina kiểm soát các mỏ dầu Drohobych, họ dự định dùng nó để mua vũ khí cho cuộc chiến, nhưng vì lý do chính trị và ngoại giao, vũ khí và đạn dược chỉ có thể được gửi đến Ukraina thông qua Tiệp Khắc. Mặc dù quân Ukraina đẩy lùi được quân Ba Lan khoảng 120–150 km, họ không đảm bảo được một tuyến đường đến Tiệp Khắc. Điều này có nghĩa là họ không thể bổ sung nguồn cung cấp vũ khí và đạn dược, dẫn đến việc thiếu nguồn cung cấp đã buộc Hrekov phải kết thúc chiến dịch của mình.

Józef Piłsudski đảm nhận chức tư lệnh lực lượng Ba Lan vào ngày 27 tháng 6 và bắt đầu một cuộc tấn công khác, với hỗ trợ của hai sư đoàn Ba Lan mới. Vào ngày 28 tháng 6, cuộc tấn công của Ba Lan bắt đầu. Thiếu đạn dược và phải đối mặt với kẻ thù có quy mô gấp đôi, Quân đội Galicia Ukraina và ban lãnh đạo Tây Ukraina bị đẩy lùi về phòng tuyến sông Zbruch vào ngày 16–18 tháng 7, sau đó Tây Ukraina bị Ba Lan chiếm đóng.[60] Mặc dù bộ binh Ukraina hết đạn nhưng pháo binh của họ thì không. Điều này giúp quân Ukraina có chỗ dựa cho một cuộc rút lui có trật tự. Khoảng 100.000 người tị nạn dân sự và 60.000 binh sĩ, 20.000 người trong số họ sẵn sàng chiến đấu, đã có thể trốn thoát qua sông Zbruch vào miền Trung Ukraina.[58]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến tranh Ba Lan–Ukraina http://www.encyclopediaofukraine.com/display.asp?l... https://web.archive.org/web/20150814012731/http://... http://www.wcfia.harvard.edu/sites/default/files/8... https://web.archive.org/web/20110325173211/http://... http://www.encyclopediaofukraine.com/display.asp?l... https://www.worldcat.org/issn/1558-5255 https://www.national.org.ua/library/lytwyn.html http://www.encyclopediaofukraine.com/display.asp?A... https://web.archive.org/web/20121012143822/http://... https://www.tygodnikprzeglad.pl/ani-pogrom-ani-odw...